Những sai lầm mà ba mẹ dễ mắc phải khi dạy con học tiếng Anh

Chắc hẳn ba mẹ nào cũng biết về tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống ngày nay nên nhiều người đã và đang bắt con “chạy đua” cùng  ngoại ngữ mà không hề hay biết mình đã thực sự áp dụng đúng phương pháp hay chưa.

Không thể phủ nhận việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ khi còn nhỏ, nhất là giai đoạn từ 3 đến 14 tuổi sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Thế nhưng, ở độ tuổi này trẻ thường thích chơi hơn học nên  sẽ rất khó để bắt bé tập trung hay học một cách nghiêm túc. Vì vậy nếu ba mẹ không thực sự tinh tế có thể áp dụng những phương pháp phản tác dụng làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Một trong những sai lầm của ba mẹ là ép con học quá nhiều. Có những phụ huynh có xu hướng áp đặt mong muốn của bản thân vào con mà không hề quan tâm con có thực sự muốn hay không, đơn giản như vì muốn được “mát mặt” trước mọi người khi khoe thành tích học tập vượt trội của con mà bắt học ngày, học đêm với một lịch học dày đặc cả trên trường và ở nhà. Việc quan tâm, theo sát con học tập là tốt nhưng không nên ép con học quá nhiều, vì như vậy không những làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý mà còn khiến trẻ bị suy giảm thể lực, dẫn đến kết quả học tập không như mong đợi.

Tiếng anh rất cần thiết đối với cuộc sống ngày nay

Trẻ con thường có tính ham chơi, dễ bị mất tập trung nhưng lại rất nhạy cảm. Khi chúng ta bắt con học nhiều dễ khiến bé gặp áp lực, không muốn học và thậm chí còn dẫn đến những hành động chống đối. Một nguyên tắc vàng cho ba mẹ khi dạy bé học tiếng Anh là phải tạo cho bé một môi trường thoải mái, giúp con hào hứng với việc học thay vì ép con theo một nguyên tắc cứng nhắc.

Sai lầm tiếp theo mà nhiều ba mẹ hay mắc phải đó là dạy con theo công thức học cứng nhắc. Việc học tiếng Anh cũng giống như học tiếng Việt, chúng ta nên cho tre học nghe, học nói trước khi học viết và hiểu thành thạo ngữ pháp. Thế nhưng thực tế chúng ta thường làm ngược lại bằng việc bắt con học viết và thuộc những hệ thống ngữ pháp phức tạp ngay cả khi con không thể đọc hay hiểu ý nghĩa thực sự của nó là gì.

Chúng ta hay cho trẻ làm quen với ngôn ngữ bằng sách vở thay vì thông qua những phương pháp học sinh động như lắng nghe cấu trúc ngữ pháp qua lời bài hát, phim hoạt hình của người bản xứ để bé bắt chước và thẩm thấu dần dần.

Hay vì muốn con học giỏi tiếng Anh, nhiều phụ huynh bắt con học thật nhiều từ vựng, thậm chí là những từ khó mà không nhận ra rằng cách này không hề hiệu quả. Bởi khi mới bắt tay vào bất kỳ việc gì chúng ta cũng cần thời gian để làm quen từ cái dễ đến cái khó, việc học ngôn ngữ mới cũng vậy, nếu để trẻ “nhảy cóc” bỏ qua những từ dễ để làm quen từ khó quá sớm sẽ dẫn đến việc không hiểu gì và chóng chán. Một lời khuyên dành cho các phụ huynh khi muốn học tốt thì phải học từ từ, mỗi ngày chỉ nên dạy con khoảng 5 từ mới và thường xuyên nhắc đi nhắc lại để con nhớ lâu hơn.

Muốn học tiếng anh tốt cầ phải chú ý tới các kỹ năng cơ bản

Cuối cùng chính là áp dụng sai phương pháp. Nhiều ba mẹ không hiểu tư duy và sở thích của bé ở tùng độ tuổi rất khác nhau nên cứ tập trung mua thật nhiều sách đĩa, tài liệu tiếng Anh về để cho con học. Với độ tuổi còn nhỏ, ba mẹ nên cho bé tham gia vào một trung tâm tiếng Anh, nơi tạo môi trường và kích thích khả năng học tiếng cho bé.

Bởi dù cho ba mẹ có tâm lý thế nào cũng không bằng việc ngồi học và chơi đùa cùng các bạn trên lớp, được kết hợp giữa học và chơi của thầy cô và các sẽ bạn giúp bé cảm thấy hào hứng hơn rất nhiều. Thêm nữa là về cách dạy, chúng ta hay có thói quen dịch nghĩa tiếng Việt khi nói bé không hiểu và bắt chúng học thuộc lòng như những chú vẹt mà không hề có phản xạ tự nhiên.

Đây chỉ là một trong những sai lầm mà chúng ta thường hay gặp phải khi dạy tiếng Anh cho trẻ. Hy vọng rằng theo thời gian và kinh nghiệm, các bậc phụ huynh có thể nhìn ra vấn đề và thay đổi để giúp bé học tập đạt hiệu quả cao hơn.